Nhận thức rõ vai trò của công nghệ mô phỏng hiện đại trong đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, đặc biệt trước xu thế phát triển mạnh mẽ của ô tô điện và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, Khoa Công nghệ Động lực – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tiếp cận và làm chủ công nghệ Opal-RT cùng phương pháp Hardware-in-the-loop(HIL).
Việc ứng dụng Opal-RT vào giảng dạy và nghiên cứu không chỉ giúp giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn mà còn là bước đi quan trọng trong đổi mới chương trình đào tạo, hướng đến xây dựng các học phần mô phỏng, kiểm thử hệ thống điện – điện tử trên ô tô hiện đại. Đây sẽ là nền tảng giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp với các công nghệ đang được sử dụng trong các trung tâm nghiên cứu (R&D) và doanh nghiệp sản xuất ô tô điện trên thế giới.
Khoa Công nghệ Động lực định hướng ứng dụng Opal-RT vào các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo như:
Mô phỏng và kiểm thử hệ thống pin (BMS), hệ thống truyền động điện, mô-tơ và inverter trên ô tô điện
Mô phỏng các hệ thống sạc nhanh DC, kiểm thử khả năng tương thích điện từ và an toàn.
Phát triển các đề tài, đồ án tốt nghiệp sát với thực tế và xu hướng công nghệ mới.
Về phía Khoa Công nghệ Động lực có: TS. Đặng Tiến Phúc, Trưởng Khoa; TS. Nguyễn Văn Sỹ, Chủ nhiệm bộ môn Điện - điện tử ô tô cùng các giảng viên. Về phía đại diện công ty Opal-RT Technologies chào đón chuyên gia Ao Li, một những chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm về phát triển cũng như ứng dụng phần mềm vào các module thuộc về lĩnh vực ô tô điện.
Chương trình đào tạo OPAL-RT kéo dài 10 ngày được xây dựng bài bản, kết hợp giữa lý thuyết, thực hành và mô phỏng thực tế nhằm trang bị cho giảng viên, kỹ sư và các nhà nghiên cứu nền tảng vững chắc về mô phỏng thời gian thực, phục vụ đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực ô tô điện, điện tử công suất và lưới điện thông minh. Quy trình từ mô hình Simulink đến ứng dụng mô phỏng thời gian thực, đi sâu vào các tính năng nâng cao của RT-LAB, hướng dẫn thực hành thiết kế dự án và kiểm thử I/O trên phần cứng OP5707XG, đào tạo về eHS – công nghệ mô phỏng điện tử công suất trên FPGA, giúp học viên hiểu rõ về mô hình hóa trên CPU và FPGA, thực hành tinh chỉnh hệ thống.
Khóa đào tạo kết thúc với phần trao đổi, thảo luận mở các chủ đề chuyên sâu như mô phỏng hệ thống hybrid, pin nhiên liệu kết hợp ắc quy, đồng thời lắng nghe ý kiến từ học viên để tổng kết và đánh giá chương trình. Đây là chuỗi đào tạo toàn diện, giúp giảng viên, kỹ sư làm chủ công nghệ mô phỏng thời gian thực, sẵn sàng triển khai vào giảng dạy và nghiên cứu các hệ thống xe điện, hybrid, trạm sạc nhanh DC cũng như các bài toán điện tử công suất trong công nghiệp hiện đại.
Khoa Công nghệ Động lực – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mô phỏng thời gian thực (HIL), đặc biệt với nền tảng Opal-RT, vào công tác đào tạo và nghiên cứu. Mục tiêu giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong mô phỏng, kiểm thử hệ thống điện – điện tử trên ô tô. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để sinh viên sẵn sàng bước vào kỷ nguyên ô tô điện, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.